1001 CHUYỆN (46)

1001 Chuyện

Xem Mục 1001 Chuyện 

– Ông Hodson ghi việc các thiên thần tạo hình cho thai nhi, đó là sinh một, rồi khi sinh nhiều con một lần thì có gì khác không ?
– À, hay đó, sinh một thì có một Chân nhân, ba thiên thần là ba bà mụ lo việc tạo hình bốn thể: xác thân, thể sinh lực, thể tình cảm và thể hạ trí. Cả ba thể thanh nằm trọn trong thể xác bà mẹ, thấu nhập và bao quanh thai nhi đang lớn dần. Ông cũng thắc mắc là khi sinh ba sinh tư thì một Chân nhân hay nhiều Chân nhân can dự. Một bà mẹ sắp sinh ba cho ông cơ hội quan sát và ghi rằng cái gì cũng nhân ba !
- Có ba Chân nhân,
- Ba bộ hạt nguyên tử trường tốn, mỗi bộ cho một phàm nhân.
- Ba thiên thần tạo hình cõi hạ trí cho ba thể hạ trí.
- Ba thiên thần tạo hình cõi tình cảm cho ba thể tình cảm.
Ba thiên thần tạo hình cõi ether để tạo thể sinh lực là cái khuôn cho thể xác.
Còn thì có vẻ như chỉ cần có một thiên thần chủ trì ở cõi thượng trí là đủ, để trông coi tiến trình phân phối karma cho ba cá nhân sắp sinh, giám thị việc tạo hình các thể, và hướng dẫn tâm thức mỗi Chân nhân vào các thể này. Như vậy theo ông có thể phân biệt, ở đây là ba cá nhân riêng rẽ với bộ ba thiên thần cho mỗi thai nhi.
Hào quang trí và tình cảm của bà mẹ nở lớn to ít nhất gấp đôi lúc bình thường và tỏa chiếu xinh đẹp. Ông có cảm tưởng hai Chân nhân sắp tái sinh, là anh và em gái của bà mẹ trong kiếp vừa xong, và mối liên hệ của bà với Chân nhân thứ ba có vẻ bắt nguồn từ một kiếp trước nữa. Dù vậy cả ba liên kết rất thân thiết với bà.
– Thích quá hở. Đó chuyện sinh, rồi em đọc một chuyện tử cũng hay lắm. Nó thật đẹp đẽ làm mình vui, không buồn.
– Hay vậy, kể nghe đi.
– Nó như vầy. Có trường học tổ chức picnic cho lớp mẫu giáo, xe bus chở trẻ bốn, năm tuổi tới chỗ chơi picnic. Giữa đường có tai nạn, xe lật, bốc cháy. Bà con xúm vô cứu, xong xuôi hết rồi thì tính ra có năm em và một cô giáo chết. Ngoài ra có em bị phỏng nặng, gia đình chầu chực ở bệnh viện ba ngày. Tối ngày thứ ba, mẹ của em, bà ngoại, bà dì đều gặp em trong mơ.
-Với người mẹ thì cô thấy con ngồi chơi chung với các trẻ đã chết;
-Với bà ngoại thì em bảo, 'Bà ơi, con đến chơi với bạn,' và chỉ tay về đám năm trẻ ấy, có cô giáo đứng đó, rồi em chạy tới các bạn.
-Với bà dì thì bà thấy giáo sĩ ban phép lành cho năm em này, và bảo chúng sắp có thêm một bạn đến chơi.
Sáng hôm sau cả nhà vào bệnh viện chờ tiếp, và đến trưa thì em nhỏ qua đời.
Cái đáng chú ý là bởi tất cả còn nhỏ quá, không biết sống và chết khác nhau nên chúng xử sự không thay đổi. Lúc sống có lớp, tụ lại với nhau, có cô giáo, thì nay chết rồi chúng cũng chơi chung, và cũng có cô giáo. Làm như chúng không biết là mình chết.
Còn cô giáo thì thấy cô thức tỉnh liền, và khi còn sống làm cô giáo thì nay qua bên kia, cô cũng tiếp tục như thế khiến lũ trẻ yên tâm. Cách sắp xếp thiệt là hay, đám trẻ không ý thức có sự thay đổi, mà hồn nhiên tiếp tục 'sống' trong khung cảnh quen thuộc, không sợ hãi lo lắng.
Chuyện hay ở đây là mình nghe nói ai qua đời sẽ có thân nhân đón bên kia, nhưng các em chết trẻ quá, ông bà cha mẹ vẫn còn sống, không có thân nhân nào đã khuất chờ sẵn, thay vào đó môi trường vẫn là lớp học và các bạn, cô giáo, không xa lạ làm chúng yên tâm. Quả là thảm kịch, nhưng kết cục đẹp đẽ. Ông Trời lo hay thiệt.
Chưa hết đâu, trẻ có em gái 2 tuổi, ba tuần trước khi chết, ngày nào trẻ cũng nói với mẹ:
- Rồi con lên thiên đàng và mẹ chỉ còn một đứa con ở với mẹ.
Em không nói chết mà nói lên thiên đàng, có lẽ chưa hiểu chết là gì. chuyện ở Palestine mới đây thôi.
– Vậy là bất kể đạo gì, ai tin điều chi, chỉ có một sự thật về cái chết.
– Là sao ?
– Là không có sự tử mà sự sống tiếp tục ở bên kia. Kết nối với chuyện sinh ba ở trên thì ý còn hay nữa, là tình thân ái, lòng thương mến nhau không mất đi khi một ai qua đời, mà nó còn hoài, và mang hai, ba đối tượng trở lại với nhau lần nữa.
– Cũng về cái chết thì chuyện gì xẩy ra cho người bị tử hình ? Nó giống như tự tử là người ta qua đời chưa tới lúc ấn định, vậy hoàn cảnh bên kia của hai trường hợp có tương tự không ?
– Có và không. Trong cả hai trường hợp, người ta bước sang cõi bên kia mà chưa thực sự ‘chết’ hiểu theo Theosophy. Theo đó, cái chết tự nhiên thì tựa như lá rơi vào mùa thu. Khi sức sống đã tận, mọi năng lực của lá đều phân rã, không còn tác động và chỉ một cơn gió thì lá lìa cành. Với con người cũng vậy, người ta bắt đầu tách biệt các năng lực hay các thể của mình khi ngày giờ đến, thể này tách rời thể kia vì đã tới lúc để cho linh hồn thoát ra được tự do.
Nhưng người tội phạm chưa tới ngày cuối của đời họ theo lẽ tự nhiên. Thể tình cảm của họ chưa sẵn sàng để tách ra khỏi thể xác, cũng như thể sinh lực vẫn còn đan kết với thân xác. Trọn con người bên trong vẫn còn gắn liền chặt chẽ với nhau và đó là thực tại của họ. Các phần này không thể rời nhau vì chúng được nối kết với nhau theo luật và lực mà thiên nhiên làm chủ.
Xã hội và tòa án không biết sự kiện ấy hay có thể không công nhận nó, và kêu án tử hình, làm vậy chỉ khiến thể xác chết đi và người ta quên nghĩ là những thể thanh khác - cũng thuộc về người tội phạm - vẫn còn đó. Khi chỉ có thân xác bị đột ngột tách lìa khỏi con người thật trước hạn kỳ, anh chỉ bàng hoàng trong một lúc rồi sau đó tỉnh giấc vẫn trong bầu không khí của trái đất, thành một sinh linh vẫn đầy đủ cảm thức chỉ có điều là không còn thân xác. Anh thấy được người khác, thấy và cảm biết trở lại việc luật pháp đối xử với mình.
Người như vậy còn đầy những cảm xúc sống động, anh trở thành ngọn lửa bừng bừng, một khối thù hận, là nạn nhân của người đời và của chính tội lỗi của anh. Ít người trong chúng ta có thể nhìn nhận là án tử hình hoàn toàn sai lầm - dù là trong trường hợp thuận lợi nhất - và tin việc xã hội xử tử một người thì chính đáng và công bằng; còn kẻ tội phạm chỉ đầy lòng ghét bỏ muốn trả hận.
Nếu biết rằng tâm trí của anh hóa tệ hơn do cuộc xử án và hành quyết, thì ta có thể thấy là anh trở thành mối đe dọa cho xã hội. Ngay cả khi nếu anh không phải là người xấu cho lắm và đầy ý báo thù như đã ghi, anh là người còn giữ trong tâm hành động của mình, mang chúng theo anh sang cõi trung giới và bao quanh ta với hình ảnh về tội phạm của anh; những hình này là sinh vật sống mãi ở đó.
Cách nào đi nữa anh cũng thành người nguy hiểm, trôi nổi trong cảnh giới mà tâm trí và tình cảm của con người sinh hoạt; anh luôn tiếp xúc với trí não và những quan năng của ai còn ở cõi trần. Có nhiều người nhậy cảm trong chúng ta và nếu họ có tiếp xúc không ý thức với kẻ tội phạm vô hình, lập tức các hình ảnh về tội lỗi và sự trừng phạt của kẻ sau đi vào thể thanh của người trước, cùng với những làn rung động từ lòng hận thù, ác ý và báo thủ của kẻ ấy.
Theo luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương Theo luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, các làn rung động ấy bị thu hút về ai có rung động tương tự. Hệ quả là nhiều người bị một lực mà họ không biết thúc đẩy phạm tội ác, và lực đó phát sinh từ dân cư như thế nơi cõi thanh của chúng ta. Ngay cả với ai không nhậy cảm, những tội phạm đang trôi nổi đó cũng cho ảnh hưởng, gợi nên tư tưởng xấu xa khi có bất cứ tương đồng nào trong tâm trí của kẻ trước. Trong thời gian giam cầm chờ xét xử, người tội phạm nghiền ngẫm nhiều về hành vi của mình, và ta không thể bỏ qua, xem cái khối khổng lồ lòng thù hằn, sợ hãi, ý trả thù, kiêu ngạo tất cả kết hợp lại, như không có đó, hay sẽ tan biến đi.
Làm sao khối lực to tát ấy mà họ sinh ra được hóa giải lập tức một khi có xử tử họ ? Tự nhiên là không, và chúng còn đó. Theo với thời gian chúng sẽ chuyển biến thành những lực khác, nhưng trước khi việc ấy xẩy ra, kẻ tội phạm trôi nổi ngang qua trí não và tâm tình người đời, mang theo với mình những hình ảnh ghê sợ và cảm xúc kinh khiếp họ sinh ra, và kéo chúng đi qua ta.
Bởi thế, khi biết rằng con người có những thể thanh và sự sống tiếp tục ở cõi bên kia, án tử hình thực ra gây bất lợi nhiều hơn lợi và nên được xét lại:
- Nó không công bình cho người còn sống vì bất lợi đã nêu.
- Gây nguy hiểm cho bầu tâm linh của quốc gia.
- Không cho người tội phạm cơ hội nào để được cải huấn, sửa chữa.
– Còn người tự tử thì sao ?
– Một người như thế khi tiếp xúc với thân nhân nói rằng trong một thời gian dài sau khi chết, họ không thể rời căn phòng trong nhà nơi họ tự tử, và thời gian lâu nữa họ phải tiếp tục sống lại cảnh mình sắp đặt rồi tự tử, ký ức thật sống động. Bà kể chồng và con trai (đã chết trước đó) sau cùng tìm được bà trong vùng sương mù xám mà bà không thoát ra được. Họ tả cảnh sống êm đềm, xinh đẹp nơi họ đang ở, và họ phải cố gắng lắm mới vào được nơi của bà, mà thấy rất khó chịu ở đó. Hai cha con tìm cách mang bà ra khỏi chỗ này, nhưng bà cảm thấy ‘nặng nề’ quá không trồi lên được, còn cha con thì bất lực không nâng bà khỏi sự nặng nề ấy.
Thời gian sau, có một nhân vật ‘chiếu sáng rỡ’ đến với ba người, giải thích tình cảnh lạ lùng này. Anh nói rằng khi một ai sinh ra, luật cõi phàm của sự sống ấn định thời gian của đời họ trên trần, các thể bị luật đó quản trị, và nếu sự sống bị chấm dứt do tự tử hay tai nạn trước thời hạn ấn định theo luật, các thể vẫn còn bị ràng buộc vào cõi trần, con người chưa siêu thoát cho tới ngày lẽ ra có cái chết tự nhiên của thân xác.
Anh giải thích vì hai cha con chết theo đúng ngày giờ định sẵn, nên không còn vướng mắc ở cõi phàm, và nay ngụ ở nơi tốt đẹp hơn. Họ có thể ‘đi xuống’ tới bà, nhưng bà không thể ‘đi lên’ chỗ của họ, cho tới lúc ấn định cái chết tự nhiên, làm bà được siêu thoát khỏi cõi trần. Anh nói chẳng bao lâu bà cũng sẽ dược tự do như vậy, còn bà ngạc nhiên khi được cho hay đã 25 năm trôi qua từ khi bà tự tử.
Bà thuật tiếp là lòng hối hận và đau khổ làm choáng ngợp bà một lúc rất lâu sau khi chết, và nỗi vui duy nhất có là khi chồng và con đến thăm. Mà ngay cả khi ấy bà cũng thấy là họ bị khổ sở nhiều khi xuống chỗ của bà, và bà hiểu họ phải hy sinh khi làm vậy.
– Rồi làm sao, gia đình giúp họ được không ?
– Được chứ, bằng cách cầu nguyện, gửi đến họ tư tưởng khuyến khích lòng kiên nhẫn,  trì chí và hy vọng. Nhưng mình phải phân biệt cảnh này với sự tự tử không vị kỷ như Phan Thanh Giản v.v.
– Cuối cùng là chết vì tai nạn thì chuyện gì xẩy ra ?
– Nói vắn tắt người ta sẽ có giấc ngủ dài ở bên kia, và tỉnh dậy khi tới đúng kỳ hạn của cái chết tự nhiên, và họ không phải trải quả những cảnh thấp ở cõi trung giới.
– Sách vở TTH hay nói chữ ‘nguyên mẫu - archetype’, đó là gì vậy ?
– Nó có nhiều ý tùy trường hợp. Cưng nên nắm vững vì khi hiểu rồi thì suy ra dễ dàng những việc khác, nhất là khi hiểu theo nghĩa huyền bí.
– Nghĩa huyền bí là nghĩa gì ?
– Nó chỉ sự bí ẩn đằng sau vật hữu hình, tức là hiểu biết về nguyên mẫu sẽ thêm vào hiểu biết về bề ngoài, dáng vẻ của vật. Chữ ‘nguyên mẫu’ nói về phần tinh túy, thiết yếu của một vật mà nếu không có thì vật không thể là vậy được. Nó là hình của mọi hình, nguồn của mọi biến thái variations.
Để hiểu rõ thì thử xem hai thí dụ sau:
a. Cưng có khối hình nón ba chiều đo, tùy theo cách cắt mà có bốn kết quả là hình  tròn, ellipse, parabola và hyperbola. Cả bốn hình này nằm bên trong hình nón, vốn có sẵn ở đó, trên mặt phẳng hai chiều đo với khối hình nón là nguyên mẫu của chúng.
b. Nhìn rộng ra, lấy bất cứ vật gì ba chiều đo (không phải là khối tròn) và giữ sao cho nó chiếu bóng của mình lên mặt phẳng, ta sẽ thấy là với mỗi vị trí mới cái bóng sẽ có hình dạng khác, vật thuộc ba chiều đo trong không gian luôn là một, nhưng hình phóng chiếu của nó lên mặt phẳng hai chiều đo thì có nhiều và thay đổi. Mỗi hình này của bóng biểu lộ một tính chất của nguyên mẫu, nhưng tất cả chúng vẫn không thể biểu lộ hình dạng thật, vì nguyên mẫu có ba chiều đo còn bóng chỉ có hai chiều đo. Tức hình bóng có ít chiều đo hơn vật sinh ra nó. Điều này đúng trong mọi trường hợp.
Nói thêm, khi xem phim ảnh với hình bóng chuyển động thuộc hai chiều đo, người ít suy nghĩ xem đó là thật, có sự sống và hớn hở vui cười, nhưng người biết suy nghĩ thì không bị lầm lẫn mà biết là sự sống, và thực tại, nằm trong hình ba chiều đo khác hẳn với bóng dáng. Cũng y vậy, những điều mà ta cho là sống động và thực - tất cả những gì là vật chất - thì tự chúng chỉ là ‘bóng dáng’ trong thế giới ba chiều đo, của nguyên mẫu hay hình tư tưởng thuộc thế giới bốn chiều đo.
Cách nhìn khác nói rằng thế giới bốn chiều đo thuộc về trực giác, và thế giới ba chiều đo thuộc về lý luận, dữ kiện. Ý này rất phong phú vì nó cho một cái nhìn xác thực hơn về khả năng của trí tuệ. Ấy là có những điều mà trí não bất lực và ta cần ý thức như vậy nếu muốn có hiểu biết đúng đắn.
– Thí dụ như điều gì ?
– Muốn hiểu rõ thì mình trở lại thí dụ khối hình nón ba chiều đo và bốn hình hai chiều đo đã nói. Từ hai chiều đo người ta phải đi vào ba chiều đo để hiểu tính chất của khối hình nón, nghĩa là phải nâng cao tâm thức lên một mức khác hẳn, có cái nhìn, nhận thức khác. Nói thêm thì môi trường nào dùng phương tiện của môi trường đó để học hỏi, cưng phải dùng óc tưởng tượng để hình dung chuyện thuộc ba chiều đo. Khi khoa học nghi ngờ sự kiện ở cõi vô hình, do không thể dùng ngũ quan và dụng cụ cõi trần để phân tích, HPB nói vậy khoa học gia hãy tạo dụng cụ tinh vi đi thì sẽ ghi nhận và khám phá ra nhiều điều huyền diệu.
Cũng y vậy, cưng nhìn khối hình nón, ellipse bằng mắt phàm, cái trí thì với các chân lý thuộc bốn chiều đo, cưng phải dùng phương tiện nơi cõi ấy hay cao hơn là thượng trí, trực giác mới cảm nhận được. Nói ví von thì những khám phá, hiểu biết mà khoa học có được là kết quả của việc cái trí hướng ra ngoài, nay muốn hiểu chuyện nội tâm thì người ta phải làm ngược lại.
– Là làm gì ?
– Để hiểu thế giới bên ngoài, sắc tướng, hiện tượng thì cưng hướng ra; với việc tinh thần vô sắc tướng thì cưng đi vào trong. Đó là giai đoạn đang tới và là bước tiến hóa tự nhiên, tiếp sau sự phát triển hạ trí đang hoàn thiện. Khả năng để quan sát bên ngoài đã toàn hảo phần nào, bước kế là làm nẩy nở quan năng nhận thức bên trong cho tới khi đạt sự hoàn thiện tương tự. Nhận thức này là mặt ngoài của tham thiền, và cho khoa học, loại tham thiền mà họ sử dụng là theo đường cung ba, cùng cách như của các thương gia. Nó muốn nói khoa học gia, thương gia cũng ‘thiền’ theo cách của họ.
Sự phân biệt bên ngoài và bên trong còn có ý nghĩa khác. Qui luật chung trên đường tiến hóa là con người phải tự phát triển, tự tạo khả năng cho mình mà không thể nhờ ai làm giúp. Tức cưng phải luyện tập để dùng trí trừu tượng ở cõi cao.
Thế thì trí năng rất quan trọng nhưng nó không là mục tiêu sau cùng cho con người, mà còn có những quan năng tinh thần cao hơn cái trí, và sự sống còn có những cõi khác ngoài cõi phàm. Óc lý luận hay hạ trí chỉ dùng để hiểu vật chất, mà không thể hiểu biết những chuyện bất khả tư nghị, và con người cần khám phá, sinh hoạt trong vùng này bằng quan năng khác cao hơn.
Do đó bước kế cho người trên đường tiến hóa là tách rời thế giới của hệ quả tức ba cõi thấp, mà trụ và làm việc trong cõi của nguyên nhân, sống theo các luật mới là luật của linh hồn (Tất cả là Một), khác với luật tranh sống của phàm ngã, thí dụ vậy. Lại nữa việc ý thức còn có nhiều điều tinh tế vô hình, sẽ càng lúc càng trở nên quan trọng khi trí năng phát triển mạnh mẽ, vì ý thức đó sẽ giúp con người tránh được những sai lầm nặng nề.
– Thí dụ như cái gì ?
– Câu nói ‘Không phải vì mình làm được việc gì thì làm việc đó’ có thể áp dụng ở đây, vào việc ghép bộ phận cho người, nhất là việc ghép tim. Khoa học chỉ thấy vai trò của tim là cái máy bơm máu trong cơ thể, nhưng bởi tim là bộ phận quan trọng cho thể xác mà cũng hết sức quan trọng về mặt huyền bí, nên mình cần suy nghĩ kỹ khi thay tim heo cho người. Nói chung nhịp rung động của thú vật mau hơn người, và tuy có vài ngoại lệ nhưng đa số thú vật sống ngắn hơn người; nhịp rung động của người cũng thanh bai hơn, cho phép mình nhận biết, cảm ứng, và phát triển những tình cảm cao thượng chỉ là tiềm tàng - nếu có - nơi loài vật như lòng từ, tình huynh đệ đại đồng.
Khi ghép bộ phận loài thấp cho loài cao, thí dụ tim heo cho người, nó sẽ làm cản trở sự phát triển này vì sự rung động khác nhịp, và làm ý thức con người hóa trọng trược hơn.
– Chắc như động cơ chạy xăng này bây giờ cho chạy bằng xăng khác ?
– Có lẽ vậy, nhưng đó chỉ mới là mặt vật chất trong khi ngoài thể xác cưng còn phần tâm linh, tinh thần, là những lực cao sử dụng trái tim người, quả tim heo không có khả năng làm vậy, và do đó ngăn cản sự thể hiện của con người thật là điều mà cưng sinh ra để làm ở cõi trần. Ghép tim heo vì thế làm sự việc phức tạp, khó khăn thêm mà thôi. Thành ra không phải khoa học hoàn thiện được kỹ thuật ghép tim, chẳng hạn vậy, thì dùng nó bất kể có nên hay không.
– Nhưng khoa học không nhìn nhận có những lực tinh tế thanh bai. Nhiều người tin là không có linh hồn và chết là hết.
– Mà bác bỏ cõi vô hình vì không cảm nhận được nó bằng mắt, tai phàm mới là suy nghĩ không khoa học, vì thái độ hợp lý sẽ coi ý đó như là giả thuyết rồi lý luận xem nó đúng hay sai. Vũ trụ tuyến có từ khai thiên lập địa mà ta chỉ khám phá ra năm 1912, sóng radio năm 1933. Nếu trước đó có ai nói về hai điều này thì chắc xã hội sẽ cho là loạn trí, dở hơi, đem nhốt vô nhà thương điên. Cả hai sự kiện chỉ được nhận biết khi ta chế ra dụng cụ bắt đuợc sóng.
Thí dụ nữa là mấy hành tinh xa trong thái dương hệ như Uranus, Neptune, Pluto nằm trên trời từ hồi nào đến giờ mà không ai biết, vì không ai thấy. Nhưng hiểu biết về toán phát triển khiến thiên văn gia kết luận là còn thiên thể khác bên ngoài Saturn, và sự hiện hữu của chúng được tìm ra trước bằng toán học, rồi sau đó người ta mới dùng viễn vọng kính đủ mạnh để nhìn thấy chúng trên trời.
Vậy xếp đặt lại là những điểm chính sau:
● Trí năng, cũng như cõi vật chất này không phải là tất cả như ai theo thuyết duy vật nghĩ, mà như các hình parabola, hyperbola hai chiều đo phát xuất từ khối có ba chiều đo, cái trí và cõi phàm cũng nhận được sự sống, ánh sáng, sinh ra từ những cõi trên chúng, thuộc nhiều chiều đo hơn.
● Ta cần nhận ra giới hạn của ha trí hay trí cụ thể, nó là khả năng rất đắc dụng để dùng trong cõi hữu hình hay hệ quả, nhưng bất lực trong cõi vô sắc tướng, cõi của nguyên mẫu. Óc lý luận, phân tích đang nổi bật hiện giờ, không giúp con người có được hiểu biết chuyện tinh thần mà muốn vậy, người ta phải dùng quan năng khác là thượng trí, trực giác.
● Một trong các việc để tập là đặt thế giới hiện tượng làm thứ yếu, không còn là điểm chính cho tâm thức, cho nó nằm đằng sau còn thế giới ý nghĩa nên ngày càng thiết yếu và thật hơn. Kế tiếp là nhận thức rằng ý tưởng là căn nguyên của vật hữu hình, sự kiện, và cố gắng sống theo các nguyên tắc hay luật của linh hồn. Nói khác đi là thể hiện nó trong đời sống ở cõi thấp.
– Bằng cách nào ?
–Trang web PST có đăng và tặng sách 'Chân Lý Hằng Ngày', với đề tài suy gẫm cho 12 tháng và những câu trích cho mỗi ngày, cưng theo tài liệu mà tập. Đầu tiên thì giữ trong trí câu của ngày hôm đó, mỗi lần cái trí rảnh rỗi thì nhớ câu này. Bởi năng lực theo sau tư tưởng, thường xuyên tập trụ vào điều tinh thần như vậy lâu ngày thành thói quen, khi cần thì ý được nghĩ tới mỗi ngày sẽ hiện ra giúp cưng hành xử đúng cách.
– Giản dị vậy thôi ư ? Thế thì em làm được, hễ trụ vững rồi sẽ text cho Bo hay, cõi nào phương tiện đó, hay là Bo muốn voicemail ?!

Tham khảo:
- Theosophy and Capital Punishment - The Theosophist, vol. 64, Dec 1976 p. 349. W.Q. Judge
- The Wisdom of Living, The America Theosophist, May 1930 p. 432, Marie R. Hotchener